Đặc điểm rau cải cúc
Ngoài cái tên quen thuộc này, người ta còn biết đến chúng với những tên gọi khác như rau tần ô, rau xuân cúc, rau đồng dao hay rau cúc. Đây là một trong những loại rau ăn lá có nguồn gốc từ vùng Địa Trung Hải và khu vực Đông Á.
Đây là loại cây thân thảo, dễ thích nghi với thời tiết. Cây mọc đứng với chiều cao trung bình từ 40 – 60cm, tuy nhiên vẫn có một số cây cao đến 1m. Cây phát triển cành nhánh sum suê, màu xanh lục, mềm và khi già thân chuyển màu nâu nhạt và thân trở nên cứng.
Lá cải cúc có dạng chẻ lông chim, mọc so le nhau với chiều dài tầm 20cm và bề mặt lá nhẵn nhụi. Nếu bạn để ý, khi cắt hay vò lá sẽ ngửi thấy mùi thơm hắc.
Hoa tần ô có màu trắng bên ngoài và bên trong màu vàng với mùi thơm thoang thoảng. Chúng mọc thành cụm gồm nhiều bông hợp lại. Quả nhỏ, chiều dài chỉ tầm 2 – 3mm. Tháng 1 cho đến tháng 3 hàng năm là thời điểm cây ra hoa kết quả.
Đây là loại rau có thể được trồng quanh năm và được nhiều người biết đến với món rau cải cúc luộc, xào, nấu canh hay ăn kèm với lẩu đều khá ngon.
Đặc biệt, một số người còn trồng rau cúc tần ô này để lấy hoa làm trà uống.
Lá cải cúc có dạng chẻ lông chim, mọc so le nhau với chiều dài tầm 20cm và bề mặt lá nhẵn nhụi.
Cải cúc có những tác dụng gì?
Nhờ vị mát, ngọt, thơm, hơi the đắng lại có đặc tính không độc nên trong Đông y đây là một loại rau xanh có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như:
- Bổ trợ cho thận, trị chứng tiểu tiện nhiều lần;
- Giúp lưu thông khí huyết;
- Tốt cho những người thường xuyên mất ngủ;
- Cải cúc giúp trị ho có đờm;
- Giúp hạ huyết áp, ổn định tim mạch;
- Cải thiện chứng hay bất an, hồi hộp;
- Giúp mẹ nuôi con nhỏ có nhiều sữa cho bé;
- Đặc biệt là cải thiện trí nhớ.
Cả trong Tây y nhiều nghiên cứu về thành phần cải cúc cũng chỉ ra những hữu dụng tương tự trên. Đó là nhờ chúng chứa nhiều vitamin A, B, C, E, K và chất béo, đường, chất sắt, kẽm, nhiều loại axit amin quan trọng cần thiết cho hoạt động sống. Đặc biệt, chúng còn chứa nhiều chất xơ, prolin, lysin, glutamic, analin, tinh dầu thơm, selen, threonin, aspartat….
Khi dùng cải cúc cần lưu ý những yếu tố sau
Tuy đây là loại rau cải giàu dinh dưỡng, hỗ trợ tốt cho sức khỏe cũng như góp phần điều trị bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, khi dùng cải cúc bạn cần lưu ý những điều sau đây:
- Do rau có tính mát nên những người hay bị lạnh bụng, thể trạng hư hàn hoặc đang bị tiêu chảy tuyệt đối không nên dùng dưới bất kỳ hình thức nào.
- Rau này dễ nhiễm trứng giun nên khi muốn ăn sống bạn cần rửa thật sạch hoặc tốt nhất là nấu chín trước khi ăn. Đây là lý do nhiều người thắc mắc rau cải cúc có ăn sống được không. Vẫn được nhé! Nhưng dùng với lượng vừa phải và khi đã vệ sinh thật sạch sẽ.
- Đối với những tác dụng trị ho, giải cảm hay hạ huyết áp, bạn cần kiên trì thực hiện liên tục từ 3 – 10 ngày vì tác dụng của chúng có phần hơi chậm. Nếu những bệnh ở mức độ nghiêm trọng, tốt nhất là bạn nên theo chỉ định của bác sỹ để chữa kịp thời.
Vẫn dùng rau này để ăn sống được nhưng cần vệ sinh thật kỹ để loại bỏ trứng giun.
Cách trồng cải cúc
Chọn thời điểm gieo trồng
Bạn có thể trồng rau này vào bất kỳ thời điểm nào trong năm vì chúng khá dễ thích nghi với nhiều điều kiện thời tiết khác nhau. Tuy nhiên, thời điểm phù hợp nhất cây cho năng suất cao nhất là 2 vụ chính là Đông Xuân và Xuân Hè.
- Với vụ Đông Xuân: bạn gieo hạt vào khoảng tháng 10 – 11 và thán 2 – 3 là thu hoạch;
- Với vụ Xuân Hè: bạn gieo hạt vào khoảng tháng 4, tháng 5 và đến tháng 8, tháng 9 thì thu hoạch.
Chuẩn bị dụng cụ và đất trồng
Đất trồng phù hợp là đất phù sa, đất thịt nhẹ, đất thịt pha cát hay đất mùn. Nếu muốn tăng dinh dưỡng cũng như độ tơi xốp cho đất, trước khi trồng rau bạn trộn đất với phân hữu cơ, phân chuồng ủ hoai, phân trùn quế,…
Về dụng cụ trồng, bạn có thể dùng thùng xốp, khay chậu,… nếu như không có đất vườn. Chỉ cần đảm bảo đủ diện tích cho cây sinh trưởng và có lỗ thoát nước để không làm ngập úng cây.
Chuẩn bị hạt giống cải cúc
Cũng giống như nhiều loại rau cải khác cùng họ như: cải thảo, cải bẹ xanh hay cải thìa,… Cải tần ô cũng được nhân giống bằng hạt một cách dễ dàng.
Bạn hãy lựa chọn những nơi uy tín để mua hạt giống cải cúc chất lượng có tỷ lệ nảy mầm cao.
Tiến hành gieo trồng
Để xử lý mầm bệnh và kích thích hạt giống nảy mầm nhanh chóng hơn bạn có thể ngâm hạt trong nước ấm pha theo tỷ lệ 2 sôi : 3 lạnh trong khoảng 5 – 6 tiếng đồng hồ. Sau đó, loại bỏ hạt lép và rửa hạt thật sạch và để ráo nước.
Cho đất vào thùng chậu đã chuẩn bị, san bằng mặt đất rồi gieo hạt vào. Bạn có thể rạch hàng, gieo hạt theo hàng hoặc cũng có thể rải đều không theo hàng lối. Quan trọng là gieo với mật độ vừa phải, không gieo quá dày khiến cây không có không gian sinh trưởng phát triển khỏe mạnh.
Gieo hạt giống cải cúc xong, bạn phủ lên một lớp đất mỏng rồi tưới nước nhẹ nhàng bằng vòi phun sương để cấp ẩm cho đất. Dùng vật chắn che phủ lên chậu cây để hạn chế nắng mưa. Đến khi cây con xuất hiện, bạn gỡ bỏ tấm đậy để rau có ánh nắng quang hợp tạo dinh dưỡng.
Bạn có thể gieo hạt theo hàng hoặc rải đều trên mặt đất.
Cách chăm sóc cây cải cúc
Quá trình chăm sóc ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng phát triển cũng như năng suất rau trồng. Bạn cần lưu ý những yếu tố sau:
Tưới nước
Mỗi ngày bạn tưới rau từ 1 – 2 lần vào sáng sớm và chiều mát là được. Tuyệt đối không tưới rau vào buổi tối tránh tạo môi trường ẩm ướt cho sâu bệnh hình thành.
Bón phân
Khi cải cúc được 1 tuần tuổi, bạn tiến hành bón thúc cho rau bằng các loại phân hữu cơ, phân gà, phân bò, phân trùn quế,…
Do rau trồng cho gia đình sử dụng nên tốt nhất là bạn hạn chế tối đa việc dùng phân hóa học. Nếu dùng đến, bạn hãy đảm bảo kỹ thuật bón phân cũng như thời gian ngưng bón trước khi thu hoạch để các thành viên trong gia đình không bị ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Làm cỏ, nhổ tỉa và phòng tránh sâu bệnh
Nếu bạn gieo quá dày, cây mọc chen chúc nhau, dẫn đến việc thiếu ánh sáng. Do vậy bạn nên nhổ tỉa cây thưa ra. Cây cải cúc con, bạn có thể dùng để trồng qua chậu khác hoặc nhổ ăn sống.
Quá trình nhổ tỉa nên kết hợp với việc làm sạch cỏ để chậu cây thông thoáng hạn chế sâu bệnh tấn công. Đây cũng là cách để hạn chế bị cỏ hút dinh dưỡng của cây.
Thu hoạch
Thời gian từ lúc gieo trồng cho đến khi thu hoạch chỉ mất tầm 25 – 30 ngày.
Bạn nên thu hái cải cúc lúc chúng còn non vì để già sẽ mất ngon mà lại giảm đi dinh dưỡng trong rau. Tùy theo sở thích mà bạn có thể nhổ cả cây hoặc chừa lại phần gốc, tiếp tục chăm sóc để thu thêm lứa tiếp theo.
Sau khi thu hoạch hết rau, bạn dọn sạch rễ cây rồi bón thêm phân hữu cơ, bón vôi vào, phơi ải và tiếp tục trồng lứa khác hoặc trồng thêm những loại rau mới.
Bạn nên thu hoạch rau lúc chưa già để rau mềm, ngon và đầy đủ dinh dưỡng nhất.
Cải cúc tương đối dễ trồng, lại là món rau giàu dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe nên nếu có thời gian và không gian trống bạn hãy trồng vài chậu rau sạch cho gia đình dùng nhé! Hy vọng những kiến thức này hữu ích đối với bạn.
Chúc bạn và gia đình luôn khỏe mạnh!